18/09/2019
Lượt xem: 818
Giải pháp phát triển nuôi tôm nước lợ hiệu quả, bền vững
Nhằm trao đổi,
phổ biến các kết quả nghiên cứu, tiến bộ khoa học kỹ thuật, biện pháp quản lý trong
nuôi tôm nước lợ, đặc biệt là quản lý bệnh vi bào từ trùng (EHP-Enterocytozoon hepatopanaei), phân trắng;
ngày 17/9/2019 tại Hội trường Khách sạn Quê Tôi, Tổng cục Thủy sản - Bộ Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn tỉnh Sóc Trăng tổ chức Hội thảo “Giải pháp phát triển nuôi tôm nước lợ hiệu
quả, bền vững”. Dự Hội thảo có ông Trần Đình Luân, Tổng cục Trưởng Tổng cục Thủy
sản; ông Huỳnh Ngọc Nhã, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh
Sóc Trăng cùng khoảng 200 công chức, viên chức làm công tác quản lý, nghiên cứu,
chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực thủy sản thuộc các cơ
quan Trung ương, viện, trường Đại học; các doanh nghiệp, Hợp tác xã, Tổ hợp
tác, hộ nuôi tôm đến từ các tỉnh ven biển vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Tôm nước lợ
(tôm sú và tôm thẻ chân trắng) là một trong những đối tượng nuôi, sản phẩm xuất
khẩu chủ lực của cả nước. Theo thống kê của Tổng cục Thủy sản - Bộ Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn, năm 2018 diện tích nuôi tôm nước lợ của cả nước là
736.000 ha (trong đó, tôm sú là 632.000 ha, tôm thẻ chân trắng là 104.000 ha),
sản lượng đạt 762.000 tấn (trong đó, tôm sú là 298.000 tấn, tôm thẻ chân trắng
là 4.64.000 tấn), giá trị kim ngạch xuất khẩu chiếm khoảng 45% tổng giá trị kim
ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước; trong 8 tháng đầu năm 2019, cả nước đã thả
nuôi được 689.516 ha tôm nước lợ (trong đó, tôm sú là 600.575 ha, tôm thẻ chân
trắng là 88.941 ha), sản lượng thu hoạch là 444.404 tấn (trong đó, 161.576 tấn
tôm sú, 282.828 tấn tôm thẻ chân trắng). Tuy nhiên, dịch bệnh trên tôm nước lợ
diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực đến hiệu quả sản xuất; theo Cục Thú y - Bộ
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 8 tháng đầu năm 2019, tổng diện tích
nuôi tôm nước lợ của cả nước bị thiệt hại do dịch bệnh là 17.534 ha và có nguy
cơ tăng cao trong thời gian tới khi điều kiện môi trường nuôi, thời tiết bất lợi.
Tại Hội thảo các
đại biểu đã được nghe các cơ quan quản lý, các nhà khoa học, doanh nghiệp thông
tin về kết quả nuôi,
giám sát dịch bệnh trên tôm nuôi
nước lợ 8 tháng đầu năm và giải pháp thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu
các tháng cuối năm 2019; cách tiếp cận quản lý và phòng trị bệnh EHP, phân trắng
trên tôm nước lợ; giải pháp phòng trị bệnh trên tôm nước lợ do EHP gây ra; giải pháp tổng hợp kiểm soát bệnh EMS (Early Mortality Syndrome), EHP và phân trắng; diễn biến và giải
pháp phòng trị một số dịch bệnh phổ biến trên tôm nước lợ ở Indonesea; ứng dụng công nghệ Nano Bubble (công
nghệ bong bóng Nano) trong nuôi tôm nước lợ. Ngoài ra, các đại biểu cũng đã
trao đổi, thảo luận xoay quanh các vấn đề về công tác quản lý chất lượng tôm bố
mẹ, tôm giống, quản lý dịch bệnh trên tôm nước lợ nuôi thương phẩm; nguyên
nhân, phương pháp phát hiện, phương thức lây bệnh, cách phòng, trị bệnh EHP,
phân trắng;… cũng như những kinh nghiệm trong việc phòng, trị bệnh trên tôm nước
lợ. Qua đó, giúp cho người nuôi tôm có cái nhìn tổng thể về tình hình dịch bệnh
trên tôm nước lợ, đặc biệt là bệnh EHP, phân trắng để có biện pháp phòng bệnh phù
hợp trong thực tiễn sản xuất, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân cũng
như phát triển bền vững ngành tôm nước lợ của Việt Nam trong thời gian tới.
Ông Trần Đình Luân, Tổng
Cục trưởng Tổng Cục Thủy sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết,
nuôi tôm nước lợ là ngành chủ lực, thế mạnh của Đồng bằng sông Cửu Long, thời
gian qua đã đạt được nhiều thành quả tích cực, nhiều doanh nghiệp, hiệp hội, hợp
tác xã, tổ hợp tác, người nuôi tôm đã ứng dụng các tiến bộ khoa học và công
nghệ vào sản xuất đạt hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng, chất lượng sản
phẩm đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Bên cạnh đó, nghề nuôi tôm nước lợ cũng đang
đối mặt với nhiều thách thức như: ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, giá tôm thương
phẩm không ổn định,... Đặc biệt, trong thời gian gần đây, dịch bệnh trên tôm
nước lợ có sự gia tăng. Do đó, thời gian tới đề nghị các ngành chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra,
kiểm soát chặt chẽ chất lượng tôm bố mẹ, tôm giống, vật tư phục vụ sản xuất và
xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; các doanh nghiệp, người nuôi tôm tiếp tục
đẩy mạnh việc ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, nhân rộng các mô hình sản
xuất hiệu quả, góp phần hạn chế dịch bệnh, hướng đến sản xuất tôm nước lợ hiệu
quả và bền vững.
Lâm Văn Tùng